GuidePedia

0
Ba người thợ xây đang lát gạch cho bức tường để xây một tòa nhà nguy nga. Một người đến hỏi: “Các anh đang làm gì thế?”, và anh ta nhận được ba câu trả lời...khác nhau.

nguoi tho xay

Người thợ xây thứ nhất nói với một thái độ gắt gỏng: Anh không thấy đường à? Tôi đang cực khổ chét hồ để ốp từng viên gạch chứ còn làm gì nữa.

Người thợ xây thứ hai điềm tĩnh hơn, ông ta xếp các viên gạch thành một hàng ngay ngắn, lướt mắt nhìn chúng rồi nói: Tôi đang xây một bức tường đấy thôi.

Anh ta tiến đến hỏi người thợ xây thứ 3, dường như có một luồng ánh sáng nhẹ nhàng, phấn khởi trong mắt người đàn ông này khi ông đặt những viên gạch xuống, ngẩng đầu lên, lau mồ hôi và nói rất hãnh diện: "Anh hỏi tôi à? Chúng tôi đang xây một công trình vĩ đại, một nhà thờ đấy!"

người thợ xây tốt bụng

Tôi gọi thái độ của người đàn ông thứ nhất là bi quan. Anh ta xem công việc mình làm chỉ như một thứ gánh nặng trong cuộc đời cực nhọc; anh ta chỉ biết chăm chăm nhìn vào sự gian khổ của khoảnh khắc này (dĩ nhiên khoảnh khắc này là có thực).

Thái độ của người đàn ông thứ hai là cái mà tôi gọi là tinh thần chuyên nghiệp. Anh ta biết mình đang xây một bức tường, bức tường ấy là bộ phận của một sản phẩm hoàn chỉnh và anh ta phải làm hết sức để kiếm tiền. Đó là một bổn phận nghề nghiệp và thái độ của anh ta phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn. Song, anh ta không có bất kỳ thiên hướng nào cao hơn.

Tôi gọi thái độ của người đàn ông thứ ba là thái độ tư tưởng chủ nghĩa. Bởi anh ta biết mỗi viên gạch và từng giọt mồ hôi mình đang đổ ra sẽ đóng góp vào việc dựng nên một chốn thiêng liêng - một nhà thờ. Anh ta thấy mỗi đóng góp của mình đều có giá trị và anh đã nhìn thấy kết quả trong công việc gian khổ mình đang làm. Anh làm việc không phải với tư cách của một "món đồ khí cụ". Những việc anh ta làm được nối kết với thế giới của chúng ta, với ước mơ của chúng ta như anh ta nói, đó là một thứ hiện hữu với chúng ta: một nhà thờ. Và tại cùng thời điểm ấy, vì anh ta đã đắm mình trong giấc mơ về một nhà thờ, nên tư tưởng của anh vượt ra khỏi những thành quả mang tính cá nhân để đạt đến những giá trị tinh thần tuyệt vời hơn nhiều...

 
Câu trả lời của người thợ xây thứ ba rõ ràng là hồ hởi, háo hức hơn nhờ khả năng “nhìn xa” của anh ta. Anh nhìn xa hơn công việc hiện tại mình đang làm, anh trông thấy trước thành quả và dự báo được chuyện sẽ đến trong tương lai với một bản vẽ tòa nhà nguy nga đã có từ trước trong đầu. Chắc chắn, công việc và cuộc sống của người thứ ba sẽ nhiều niềm vui và thú vị hơn nhiều hai người thợ xây còn lại.

Nhìn xa về thời gian
Nhìn xa, nhìn điều mà người khác không nhìn thấy theo tôi là phẩm chất cơ bản phân biệt nhà lãnh đạo với nhà quản lý, giữa người dẫn đường (nhà lãnh đạo) với người quán xuyến cho công việc chạy tốt (nhà quản lý). Khả năng này đòi hỏi tầm nhìn của nhà lãnh đạo doanh nghiệp, và cũng dễ hiểu khi những nhà lãnh đạo giỏi ban đầu thường bị người khác “chê cười” hoặc hoài nghi vì cho rằng họ không thực tế, mơ mộng hão huyền. Lý do: các nhà lãnh đạo giỏi đang “nhìn thấy” những điều mà người bình thường không nhìn thấy! Mắt của chúng ta chỉ nhìn thấy những gì mà trong đầu chúng ta tin là có, vì vậy trí tưởng tượng của nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải vượt khỏi thế giới hữu hình xung quanh mình. Để thuyết phục người khác đi theo con đường của mình, trí tưởng tượng ấy còn phải được tiếp thêm sức mạnh của niềm tin, của cảm xúc dạt dào từ con tim – nơi ấp ủ những hoài bão tốt đẹp mà chỉ có bạn “nhìn thấy” vì nó thuộc về tương lai.
Nếu các doanh nhân có tầm nhìn xa thì việc chuẩn bị cho doanh nghiệp của mình trước hội nhập WTO đã phải diễn ra từ... nhiều năm trước. Bản thân doanh nhân đã sẵn sàng cho việc hội nhập từ... ngày thành lập công ty, tức trong đầu anh ta đã thành hình con thuyền lớn để ra biển lớn từ lâu! Với tầm nhìn xa, bạn sẽ thấy trước xu hướng, chuẩn bị đón lấy những cơ hội lớn từ nó mang lại và bạn chiến thắng.
Ở đây, tôi muốn quay lại ý niệm cơ bản trong chiến lược, đó là “vision & mission” mà chúng ta quen gọi là “tầm nhìn & sứ mạng”. Để diễn tả hết ý của vision, tôi thường dùng cách diễn nghĩa “hình ảnh doanh nghiệp tương lai” để dễ hình dung. Đó là những mô tả mà khi đọc vào, bạn như nhìn thấy doanh nghiệp của mình trong đó, với qui mô, hình hài để rồi bạn như chạm được vào nó, hình dung ra nó và có cảm xúc với nó. Có như vậy, bạn mới có sự háo hức như anh thợ xây thứ ba trong suốt tiến trình “đắp từng viên gạch” xây nên doanh nghiệp của mình.
Trông rộng về không gian
Tôi đặt câu hỏi như sau trong các buổi hội thảo cho doanh nghiệp: Bạn có nghĩ rằng mình có thể thay đổi thế giới không? Ban đầu, hầu hết mọi người đều nghĩ “thay đổi thế giới ư, chuyện đội đá vá trời” nên nhanh chóng trả lời không. Tôi đưa một ví dụ: Nếu bạn cho một nhân viên nghỉ việc, không chỉ người nhân viên này bị ảnh hưởng một mình. Xét về công việc, đồng nghiệp và toàn thể bộ phận của anh ta bị ảnh hưởng, thậm chí phải thu xếp làm choàng việc của anh. Vì vậy, kết quả công việc của bộ phận này rồi sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác, có tác động đến đầu ra của doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng đến khách hàng. Xét về gia đình anh nhân viên này, chắc chắn quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến vợ con anh ta, rồi sự lo lắng của người vợ sẽ tác động không hay lên công việc của chị và rồi mọi việc lặp lại giống như doanh nghiệp nơi anh chồng làm việc. Khi đứa con lo lắng hoặc bị bố cáu gắt vì mất việc mắng, em sẽ để mọi chuyện ảnh hưởng đến việc học, việc chơi, và thầy cô, bạn bè của em cũng bị tác động. Đó chính là hiệu ứng cánh bướm nổi tiếng (Butterfly effect): chỉ với một cái vỗ cánh của con bướm ở rừng rậm Amazon tận châu Mỹ có thể gây nên tai họa núi lửa phun ở Philippines.
Mỗi cá nhân chúng ta đều sống trong một hệ thống quan hệ chằng chịt, vì vậy vai trò của một người lãnh đạo doanh nghiệp còn có tác động lớn hơn nữa. Với hiệu ứng này, mọi sự việc dù nhỏ cũng có thể tạo tác động rộng lớn. Chỉ một thay đổi nhỏ về giá của sản phẩm công ty bạn, nhưng có thể ảnh hưởng đến cả thị trường. Chỉ một việc giảm chiết khấu đại lý là có thể gây ra những tác động lớn lên cả hệ thống phân phối. Chỉ một cái lắc đầu của bạn hay một lời khen tặng động viên dành cho nhân viên là bạn đang tạo ra một thay đổi lớn lao rồi đấy, nếu bạn “trông thật rộng”.
Khả năng nhìn xa và trông rộng giúp người lãnh đạo suy xét mọi hậu quả lâu dài của các quyết định của mình, ngay cả trong việc cân nhắc từng lời nói, hành động, suy nghĩ. Nhận thức này không chỉ cần thiết cho thời kỳ hội nhập WTO, mà cần thiết trong suốt cả quãng đời tồn tại của từng doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp muốn đóng góp tốt nhất cho xã hội, cho cuộc sống loài người, doanh nhân hãy nhìn thật xa và trông thật rộng.

Post a Comment Blogger

Hãy chia sẻ những cảm nhận của bạn với Vườn ươm tâm hồn bằng cách click vào nút +1 và nhập vào khung dưới đây nhé!

- Bạn có thể viết cảm nhận bằng cách chọn Comment as (Nhận xét với tư cách)Tên/URL hay Ẩn danh. Tuy nhiên bạn nên chọn Tên/URL với URL có thể để trống. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu bạn nhé! :-)

 
Top